Các DN ngành gỗ tại Việt Nam đã và đang sẵn sàng đáp ứng tiêu chuẩn EU

Có thể nói, Hiệp định EVFTA đã được ký kết là mốc son cực kỳ quan trọng đã mang lại lợi thế lớn nhất về nhập khẩu nguyên phụ liệu và máy móc cho ngành chế biến gỗ. Do đó, các doanh nghiệp sản xuất gỗ tại Việt Nam đã và đang chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể tiếp cận và sẵn sàng đáp ứng được các tiêu chuẩn xuất khẩu EU và hưởng lợi ngay khi EVFTA được thực thi.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 4 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ đạt 3,29 tỷ USD, tăng 5,1% so với cùng kỳ; thị trường EU chiếm gần 10% trong tổng kim ngạch toàn ngành này. Ông Ngô Sỹ Hoài – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam (VIFORES) – nhận xét, mức tăng trưởng trên là khá khả quan bởi dịch bệnh vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp trên thế giới, ảnh hưởng tới nhu cầu nhập khẩu. Dự báo, năm 2020, mức tăng trưởng của ngành gỗ có thể bằng 0 và Việt Nam khó đạt mục tiêu xuất khẩu 12 tỷ USD.

Trong bối cảnh khó khăn, việc phê chuẩn Hiệp định EVFTA được DN ngành gỗ đánh giá cao bởi khi hiệp định này đi vào thực thi, sẽ mang lại nhiều lợi thế cho xuất khẩu gỗ, giúp ngành có thêm trợ lực để bứt tốc sau dịch. Theo ông Nguyễn Chánh Phương – Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP. Hồ Chí Minh (HAWA), ngành gỗ mấy năm nay xuất khẩu vào EU gần như hưởng thuế 0% nên lợi ích từ hiệp định này chủ yếu là nhập khẩu. “Ước tính, mỗi năm, Việt Nam đang nhập khẩu khoảng 1 triệu m3 gỗ nguyên liệu (tương đương 270 triệu USD) từ các nước EU, tập trung vào các loại gỗ tròn, gỗ xẻ, vernia và gỗ dán… Khi thuế nhập khẩu về 0%, sẽ tạo lợi thế để DN gỗ chuyển mạnh qua thị trường EU, đưa các sản phẩm gỗ có chất lượng, gia tăng giá trị và đáp ứng các yêu cầu trong quy tắc xuất xứ của EVFTA” – ông Phương đánh giá.

Ngoài lợi thế nguyên liệu, nhiều DN gỗ khẳng định, EVFTAcòn tạo cơ hội cho DN Việt tiếp cận máy móc, thiết bị hiện đại cũng như các kênh phân phối của EU tốt hơn. Đặc biệt, thông qua những yêu cầu bắt buộc và tiêu chuẩn cao của hiệp định này, DN sẽ trưởng thành thêm, tự nâng cao quản trị kinh doanh, phát triển sản phẩm, quy trình sản xuất…, tăng nội lực cho toàn ngành.

Để tận dụng lợi thế từ EVFTA, ông Trần Quốc Mạnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Phát triển sản xuất – thương mại Sài Gòn (SADACO) – cho biết, nhiều DN gỗ TP. Hồ Chí Minh đã chuẩn bị sẵn sàng nguyên, phụ liệu, hệ thống tiêu chuẩn, chứng nhận quốc tế… Đồng thời, cập nhật toàn bộ thông tin về quá trình triển khai EVFTA nên tự tin sẽ đáp ứng được các nội dung đưa ra trong Hiệp định EVFTA.

Tuy nhiên, để hiệu quả của EVFTA được phát huy tối đa, ông Mạnh đề xuất, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành, hiệp hội và DN. Cụ thể, nhà nước cần có giải pháp khẩn trương, thực tế về kinh phí để hỗ trợ DN đào tạo, tập huấn, cung cấp thông tin đầy đủ thuận lợi, khó khăn của EVFTA. Các hiệp hội ngành hàng cần phối hợp chặt chẽ với Chính phủ để triển khai, đưa hiệp định này tới DN vừa và nhỏ. DN cần nắm chắc, hiểu rõ, đặc biệt phải liên kết với nhau qua cầu nối là hiệp hội gỗ ở các địa phương cũng như trên cả nước.

Nguồn: Báo Công Thương

Contact Me on Zalo